Những người “giữ lửa” nghề khảm trai Chuôn Ngọ
"Bàn tay vàng" Nguyễn Xuân Dũng bên chiếc tráp giá 12 triệu đồng.
"Bàn tay vàng" Nguyễn Xuân Dũng bên chiếc tráp giá 12 triệu đồng
Nổi danh từ nghề khảm trai truyền thống, làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội được biết đến là “thủ phủ” của rất nhiều sản phẩm mang đỉnh cao nghệ thuật. Gần 1.000 năm nay, lúc thăng lúc trầm nhưng biết bao thế hệ con cháu của làng vẫn nguyện “sống” và “cháy” hết mình với nghề khảm cổ.
Ngõ nhỏ của những “bàn tay vàng”
Về Chuôn Ngọ trong những ngày tháng Chạp, không khí của làng nghề nhộn nhịp hơn. Nhà nhà, người người, từ cụ già đến trẻ nhỏ, mỗi người một công đoạn cùng chung tay “thổi hồn” cho những mảnh trai thô cứng trở nên sinh động và mềm mại với nhiều hình ảnh bắt mắt.
Tại một ngõ hẻm chật chội nằm ở đầu làng, nơi chỉ đủ cho hai người lui tới, nhưng chính nơi đây đã sinh ra lớp lớp nghệ nhân có tên tuổi, được nhà nước phong tặng danh hiệu “bàn tay vàng” nổi danh, vọng tiếng.
Được xem là người “giữ lửa“ cho làng nghề, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết, nghề khảm trai Chuôn Ngọ hình thành từ thời nhà Lý, do ông tổ Trương Công Thành, một danh tướng của triều đình nhưng đã lui khỏi chốn quan trường gây dựng.
Đến nay, nghề khảm trai đã trở thành nghề kiếm tiền chủ lực của gia đình ông, cũng như hơn gần 1.000 hộ dân khác trong xã.
“Gần 30 năm gắn bó với nghề khảm trai, càng làm tôi lại cảm nhận được thêm những nét tinh hoa của nó. Cũng chính nét tinh hoa ấy đã khiến tôi mỗi ngày một ‘say’ và “cháy’ với nghề hơn,” ông Dũng bộc bạch.
Trò chuyện với khách, ông Dũng vừa khéo léo chạm trổ, đặt những mảnh trai đã được cắt gọt lên bức tranh nhà Phật. Những vỏ ốc, vỏ trai vô hồn qua bàn tay của ông dần trở thành con rồng uốn lượn trên chiếc tráp cổ, những bức tranh tam quốc tinh xảo, truyền thần và sống động.
Nghệ Nhân.Nguyễn Xuân Dũng trước cửa đình làng Chuôn Ngọ
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, ông Dũng bảo rằng: “Bắt đầu từ những vỏ ốc, vỏ trai. Những thứ tưởng chừng như vứt đi ấy, nó dần gắn bó với tuổi thơ của tôi. Cứ rảnh rỗi, tôi lại phụ giúp ông nội và bố làm những công việc đơn giản của quá trình khảm trai. Rồi cái nghề nó ăn sâu vào con người mình lúc nào chẳng biết.”
Cũng như gia đình ông Dũng, gia đình nghệ nhân Trần Bá Dinh đã hai lần được nhà nước phong tặng danh hiệu “bàn tay vàng,” với những bức tranh truyền thần về Bác Hồ và rất nhiều các vị nguyên thủ quốc gia khác.
Đến nay, hơn 70 năm gắn bó và truyền lửa về nghề truyền thống, ông Dinh cảm thấy vinh dự nhất là được làm ảnh chân dung Bác Hồ để biếu Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng tỉnh ủy Hà Tây cũ. Thấy bức chân dung đó, Bác Hồ rất hài lòng.
Tin tưởng tài năng của ông, năm 1968, nhân dịp chuẩn bị sang thăm Cuba, Bác Hồ đã chỉ thị Văn phòng Chính phủ đặt ông làm bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro làm quà tặng. Không phụ sự kỳ vọng của Bác, ông đã sớm hoàn thành bức chân dung với vẻ đẹp thân thiện, lạc quan.
Tiếp nối tài năng của ông, lớp lớp thế hệ trẻ của làng cũng đã dần trở thành những nghệ nhân có tiếng. Cũng chỉ với những khúc củi khô, những tấm gỗ vô hồn, qua bàn tay của những nghệ nhân Chuôn Ngọ đã trở thành những kiệt tác được bán trên thị trường.
Ngôi miếu thờ cụ tổ nghề khảm trai Chuôn Ngọ.ảnh do Đắc Quỳnh cung cấp
“Sống” mãi với nghề
Chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về nghề khảm trai, bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhiệm hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ cho biết: “Với nghề khảm trai, khó nhất là khâu vẽ mẫu. Đó là công việc đầu tiên để tạo ra cái hồn của sản phẩm. Sau đó là việc tách tỉa như dùng mũi dao tách những mảnh trai thành từng nét.”
Cũng theo bà Vui, thì nguyên liệu để làm sản phẩm ở Chuôn Ngọ không chỉ là vỏ trai, vỏ ốc ở trong nước mà còn được thu mua từ các vùng biển ở Singapore, Indonesia... Đó là những vỏ trai bóng bẩy, đa dạng màu sắc với vẻ đẹp tự nhiên.
Cùng với đó, sản phẩm khảm trai ở Chuôn Ngọ cũng đa dang từ tủ, bàn ghế, đến câu đối, hoành phi trong nhà thờ, hay những bức tranh phỏng theo các truyện cổ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Nhờ đường nét tinh xảo và có hồn mà sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ nổi tiếng với giá trị rất cao. Những hàng đặt như tủ chè, sập gụ khảm ốc giá từ 15 đến 100 triệu đồng tùy theo chất liệu khảm, hay như tủ chè gỗ trắc được khảm bằng ốc đỏ giá bán từ 80 đến 200 triệu đồng.
“Ở Ngọ Hạ, khảm trai được xem là nghề chính, nghề kiếm tiền với 70% tổng thu nhập. Cũng nhờ nghề cổ này, hơn hàng trăm hộ dân của làng đã thoát khỏi cảnh ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ và no đủ hơn,” bà Vui xởi lởi nói.
Bên cạnh giúp người dân có bát cơm ngon, từ năm 1994 đến nay, hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ mà bà Vui làm chủ nhiệm còn mở các lớp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật trên cả nước để giúp các em tự tin hòa nhập vào cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định.
Tính đến nay, bà Vui đã dạy và tạo nghề cho gần 2.500 cháu khuyết tật. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động phổ thông.
“Với mức thu thập từ 5 đến 6 triệu đồng một tháng, những năm gần đây, đời sống của người dân đã cải thiện rõ rệt. Thế hệ con cháu được chăm lo cho học hành tốt hơn. Tôi tin rằng, thu nhập trên sẽ giúp người dân và các em khuyết tật ‘cháy’ mãi với nghề khảm cổ,” bà Vui phấn khởi nói./
bài viết được lấy từ anh Hùng Võ.
Bài viết rất hay
ReplyDeleteĐổi mới giao diện màn hình máy chà nhám thùng mới nhất hiện nay
Cảm ơn ạ
ReplyDeleteTop 5 máy cán vân cào cước gỗ bán chạy nhất hiện nay