Những người “giữ lửa” nghề khảm trai Chuôn Ngọ
"Bàn tay vàng" Nguyễn Xuân Dũng bên chiếc tráp giá 12 triệu đồng.
"Bàn tay vàng" Nguyễn Xuân Dũng bên chiếc tráp giá 12 triệu đồng
Nổi danh từ nghề khảm trai truyền thống, làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội được biết đến là “thủ phủ” của rất nhiều sản phẩm mang đỉnh cao nghệ thuật. Gần 1.000 năm nay, lúc thăng lúc trầm nhưng biết bao thế hệ con cháu của làng vẫn nguyện “sống” và “cháy” hết mình với nghề khảm cổ.
Ngõ nhỏ của những “bàn tay vàng”
Về Chuôn Ngọ trong những ngày tháng Chạp, không khí của làng nghề nhộn nhịp hơn. Nhà nhà, người người, từ cụ già đến trẻ nhỏ, mỗi người một công đoạn cùng chung tay “thổi hồn” cho những mảnh trai thô cứng trở nên sinh động và mềm mại với nhiều hình ảnh bắt mắt.
Tại một ngõ hẻm chật chội nằm ở đầu làng, nơi chỉ đủ cho hai người lui tới, nhưng chính nơi đây đã sinh ra lớp lớp nghệ nhân có tên tuổi, được nhà nước phong tặng danh hiệu “bàn tay vàng” nổi danh, vọng tiếng.
Được xem là người “giữ lửa“ cho làng nghề, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết, nghề khảm trai Chuôn Ngọ hình thành từ thời nhà Lý, do ông tổ Trương Công Thành, một danh tướng của triều đình nhưng đã lui khỏi chốn quan trường gây dựng.
Đến nay, nghề khảm trai đã trở thành nghề kiếm tiền chủ lực của gia đình ông, cũng như hơn gần 1.000 hộ dân khác trong xã.
“Gần 30 năm gắn bó với nghề khảm trai, càng làm tôi lại cảm nhận được thêm những nét tinh hoa của nó. Cũng chính nét tinh hoa ấy đã khiến tôi mỗi ngày một ‘say’ và “cháy’ với nghề hơn,” ông Dũng bộc bạch.
Trò chuyện với khách, ông Dũng vừa khéo léo chạm trổ, đặt những mảnh trai đã được cắt gọt lên bức tranh nhà Phật. Những vỏ ốc, vỏ trai vô hồn qua bàn tay của ông dần trở thành con rồng uốn lượn trên chiếc tráp cổ, những bức tranh tam quốc tinh xảo, truyền thần và sống động.
Nghệ Nhân.Nguyễn Xuân Dũng trước cửa đình làng Chuôn Ngọ
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, ông Dũng bảo rằng: “Bắt đầu từ những vỏ ốc, vỏ trai. Những thứ tưởng chừng như vứt đi ấy, nó dần gắn bó với tuổi thơ của tôi. Cứ rảnh rỗi, tôi lại phụ giúp ông nội và bố làm những công việc đơn giản của quá trình khảm trai. Rồi cái nghề nó ăn sâu vào con người mình lúc nào chẳng biết.”
Cũng như gia đình ông Dũng, gia đình nghệ nhân Trần Bá Dinh đã hai lần được nhà nước phong tặng danh hiệu “bàn tay vàng,” với những bức tranh truyền thần về Bác Hồ và rất nhiều các vị nguyên thủ quốc gia khác.
Đến nay, hơn 70 năm gắn bó và truyền lửa về nghề truyền thống, ông Dinh cảm thấy vinh dự nhất là được làm ảnh chân dung Bác Hồ để biếu Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng tỉnh ủy Hà Tây cũ. Thấy bức chân dung đó, Bác Hồ rất hài lòng.
Tin tưởng tài năng của ông, năm 1968, nhân dịp chuẩn bị sang thăm Cuba, Bác Hồ đã chỉ thị Văn phòng Chính phủ đặt ông làm bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro làm quà tặng. Không phụ sự kỳ vọng của Bác, ông đã sớm hoàn thành bức chân dung với vẻ đẹp thân thiện, lạc quan.
Tiếp nối tài năng của ông, lớp lớp thế hệ trẻ của làng cũng đã dần trở thành những nghệ nhân có tiếng. Cũng chỉ với những khúc củi khô, những tấm gỗ vô hồn, qua bàn tay của những nghệ nhân Chuôn Ngọ đã trở thành những kiệt tác được bán trên thị trường.
Ngôi miếu thờ cụ tổ nghề khảm trai Chuôn Ngọ.ảnh do Đắc Quỳnh cung cấp
“Sống” mãi với nghề
Chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về nghề khảm trai, bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhiệm hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ cho biết: “Với nghề khảm trai, khó nhất là khâu vẽ mẫu. Đó là công việc đầu tiên để tạo ra cái hồn của sản phẩm. Sau đó là việc tách tỉa như dùng mũi dao tách những mảnh trai thành từng nét.”
Cũng theo bà Vui, thì nguyên liệu để làm sản phẩm ở Chuôn Ngọ không chỉ là vỏ trai, vỏ ốc ở trong nước mà còn được thu mua từ các vùng biển ở Singapore, Indonesia... Đó là những vỏ trai bóng bẩy, đa dạng màu sắc với vẻ đẹp tự nhiên.
Cùng với đó, sản phẩm khảm trai ở Chuôn Ngọ cũng đa dang từ tủ, bàn ghế, đến câu đối, hoành phi trong nhà thờ, hay những bức tranh phỏng theo các truyện cổ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Nhờ đường nét tinh xảo và có hồn mà sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ nổi tiếng với giá trị rất cao. Những hàng đặt như tủ chè, sập gụ khảm ốc giá từ 15 đến 100 triệu đồng tùy theo chất liệu khảm, hay như tủ chè gỗ trắc được khảm bằng ốc đỏ giá bán từ 80 đến 200 triệu đồng.
“Ở Ngọ Hạ, khảm trai được xem là nghề chính, nghề kiếm tiền với 70% tổng thu nhập. Cũng nhờ nghề cổ này, hơn hàng trăm hộ dân của làng đã thoát khỏi cảnh ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ và no đủ hơn,” bà Vui xởi lởi nói.
Bên cạnh giúp người dân có bát cơm ngon, từ năm 1994 đến nay, hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ mà bà Vui làm chủ nhiệm còn mở các lớp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật trên cả nước để giúp các em tự tin hòa nhập vào cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định.
Tính đến nay, bà Vui đã dạy và tạo nghề cho gần 2.500 cháu khuyết tật. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động phổ thông.
“Với mức thu thập từ 5 đến 6 triệu đồng một tháng, những năm gần đây, đời sống của người dân đã cải thiện rõ rệt. Thế hệ con cháu được chăm lo cho học hành tốt hơn. Tôi tin rằng, thu nhập trên sẽ giúp người dân và các em khuyết tật ‘cháy’ mãi với nghề khảm cổ,” bà Vui phấn khởi nói./
bài viết được lấy từ anh Hùng Võ.
Monday, 31 March 2014
Sunday, 30 March 2014
Saturday, 29 March 2014
Sơ Lược Về Lịch Sử Làng Ngề
Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, Hà Tây cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km về hướng nam. Nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ hình thành từ bao giờ không rõ nhưng muộn nhất cũng từ thế kỷ XI do Trương Công Thành, một vị tướng dưới thời Lý truyền dạy cho dân làng. Nhớ tới công đức của ông, dân Chuyên Mỹ tôn ông là tổ nghề khảm. | |
Lịch sử làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, Phú Xuyên
Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, Hà Tây cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km về hướng nam. Nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ hình thành từ bao giờ không rõ nhưng muộn nhất cũng từ thế kỷ XI do Trương Công Thành, một vị tướng dưới thời Lý truyền dạy cho dân làng. Nhớ tới công đức của ông, dân Chuyên Mỹ tôn ông là tổ nghề khảm. Hiện nay, người dân Chuôn Ngọ đã xây dựng xong ngôi đình thờ cụ Trương mới (2002) (dựa trên nền tảng của ngôi đình cũ đã bị chiến tranh tàn phá). Nơi đây được trang trí những bức hoành phi, câu đối do các bàn tay tinh xảo nhất của làng khảm thể hiện. Nổi bật nhất là bức Đại tự có ghi 4 chữ “Công cái hoàn vũ” (Tạm dịch: Công đầu là gìn giữ bờ cõi), toàn bằng xà cừ (ốc đỏ), có thể nói đây là bức đại tự khảm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả tác phẩm trưng bày ở đình này đều do dân làng và khách thập phương cung tiến thể hiện lòng Thành kính với nghệ tổ (cụ Trương). Từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng những người thợ khảm Chuyên Mỹ với bàn tay tài hoa, khéo léo có thể tạo ra bất kỳ họa tiết nào dù tinh vi phức tạp đến đâu. Trước đây, người thợ Chuyên Mỹ chủ yếu làm hoành phi, câu đối và trang trí một số đồ gỗ sang trọng như sập gụ tủ chè. Ngày nay theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm Chuyên Mỹ đa dạng với chất lượng cao thoả mãn nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Du khách đến đây ngày một đông để chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo.
Người Chuyên Mỹ với đôi bàn tay cần mẫn tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo không chỉ phục vụ thị trường nội địa theo thị hiếu Việt Nam mà đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và chinh phục được khách hàng ở các thị trường khó tính vốn chưa quen với hàng hóa Việt Nam như Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật...
Năm tháng trôi qua, nghề khảm trai với bao nhiêu thăng trầm đến nay đã có tới hơn 70% số hộ trong làng có lao động làm nghề khảm và tham gia các hoạt động dịch vụ cho sự phát triển nghề khảm.
Tinh xảo một làng nghề
Nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định. Để có được một sản phẩm khảm trai theo đúng nghĩa, đó còn là cả một nghệ thuật. Người thợ khảm phải trải qua nhiều công đoạn, trước hết là phải chọn loại vỏ trai phù hợp với đồ dùng mình định khảm. Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu, trai thịt trắng, vỏ mình dầy; trai Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều vân; ốc biển, có thứ gọi là ốc xà cừ, có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Hến biển có một thứ gọi là vỏ xác, thường có nhiều ở Quy Nhơn. Ngoài ra còn có một thứ vỏ trai đặc biệt gọi là Cu Khổng (vì có 9 lỗ vỏ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú hơn màu cầu vồng. Muốn làm hàng mặt nổi như: núi non, cánh phượng, cánh công, phải tìm bằng được Cu Khổng. Trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài nguồn nguyên liệu ở trong nước, người thợ Chuyên Mỹ phải mua nguyên liệu từ Trung Quốc, nguyên liệu quý như ốc phải mua từ Singapore. Từ chất liệu vỏ trai, người thợ khảm phải bỏ rất nhiều công sức để hoàn thành một mặt tranh khảm, bao gồm các khâu: sáng tác bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh trên mặt tranh khảm, mài, đánh bóng mặt khảm. Trước đây, đề tài khảm thường chọn các tích ở truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: “Tam cố Thảo Lư”, “Văn chương cầu hiền”, hay khảm theo mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim hoa, “tứ dân” cảnh - 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm lại chọn là các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn… Đến Chuyên Mỹ những ngày này, ta thấy khâm phục và tự hào về một nghề thủ công đang phát triển, những sản phẩm khảm qua đôi bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân thật đa dạng, phong phú về chủng loại: bàn ghế, tủ, tráp, hộp trang điểm, tranh phong cảnh… kỹ thuật ngày càng tinh xảo. Những sản phẩm độc đáo mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ đã làm say đắm và được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa. Sản phẩm của Chuyên Mỹ đã từng tham gia các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội, có mặt ở các điểm du lịch, các thị trường lớn của đất nước và thế giới. Công đoạn chế tác Khảm xà cừ Chất liệu thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc.
Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng, nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thì có những tên riêng cho những thứ ốc như "trai cửu khổng" (tức bào ngư), "diệp xù", "trai cánh", "trai Nông Cống". Tuy nhiên những danh từ này chưa được hiệp nhất với tên khoa học.
Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm (thường là mặt gỗ) phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn ta để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.
Khảm xà cừ có ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn ghế, giường, sập, tủ, bình phong, trang treo tường…. Khảm xà cừ thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bong sơn mài mỹ nghệ, tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ có tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí. Các họa tiết ở đồ khảm xà cừ có thể là về hoa lá, chim bướm, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam hay từ một tích cổ nào đó trong dân gian. Hiện nay, công đoạn khắc thủ công có thể thay thế bằng máy khắc lazer và các loại máy móc hỗ trợ khác, song việc cẩn các mảnh xà cừ và hoàn thiện sản phẩm vẫn không thể thiếu được đôi bàn tay của nghệ nhân. Các sản phẩm khảm trai, ốc của Chuyên Mỹ ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người thợ dựa trên những bí quyết công nghệ hết sức nghiêm ngặt, tỉ mỉ và phức tạp được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ khác nhau. Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công, đồng thời phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như tính thẩm mỹ của nó. Ngày nay, làng khảm Chuyên Mỹ đang tiếp tục phát huy tiềm năng của mình, xứng đáng là nơi lưu giữ nghệ thuật khảm trai truyền thống và sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp và quý. |
LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUÔN NGỌ
Subscribe to:
Posts (Atom)